Thương về cà phê góc phố năm xưa
Cà-phê là một chất kích thích hưng phấn, nó giúp cho chúng ta cảm thấy bớt mệt mỏi, tinh thần tỉnh táo và bớt buồn ngủ... Trong mùa thi cử, sinh viên hay dùng cà-phê để có thể thức khuya gạo bài… Trong hãng xưởng, công nhân thường được phép nghỉ xả hơi 15 phút sau hai tiếng đồng hồ làm việc, gọi là pause de café hay coffee break để nghỉ xả hơi, để uống cà-phê hay để tán ngẫu...
Khi nhờ ai giúp mình một việc gì, thì mình nên trả công cho họ một ít tiền cà phê cà pháo hay tiền tip cho vui vẻ cả làng.
Cà-phê dễ bị ghiền nếu uống thường xuyên. Tới cữ ghiền, nhất là vào buổi sáng mà không có cà-phê thì kể như không thể làm việc gì được hết, vì chúng ta sẽ bị ngầy ngật, bần thần, uể oải, nhức đầu, buồn ngủ, cay mắt, ngáp vắn ngáp dài khó chịu lắm! Phải đi làm một tách cà phê đã, rồi sau đó máy mới nóng mà chạy được. Có người ghiền nặng hơn thì cần phải uống 5-6 cữ trong một ngày, còn ghiền nhẹ thì chỉ cần uống một cữ vào buổi sáng là đủ rồi.
Dân Phần Lan (Finlande) uống nhiều cà-phê nhất thế giới... Họ tiêu thụ trung bình khoảng 11,3kg/năm/người, tương đương với 5 tách/ngày.
Brazil là nước sản xuất nhiều cà-phê nhất, với 1,7 triệu tấn/năm, chiếm 25% thị trường quốc tế. Kế đến là Việt Nam, đứng hàng thứ nhì, chiếm 7,5% (nguồn The British coffee Association).
Cà phê tại Bắc Mỹ
Tại Montréal, muốn uống cà phê ngon thì phải uống trong các tiệm chuyên bán cà phê như Starbucks, Second Cup hoặc Café Dépôt chẳng hạn, còn nếu vô tiệm McDonald hay một nhà hàng nào đó mà làm một ly thì uổng tiền lắm. Nhưng mới vừa đây, McDo cũng thông báo trước bá tánh là đại công ty nầy đang o bế và nâng cấp món cà phê của họ lên với mục đích chính là để lượm thêm bạc cắc và hy vọng có thể giựt bớt khách của các công ty đàn anh chuyên trị cà phê. Danh xưng của nó là McCafé, nằm chung một chỗ với nhà hàng fast food McDo. Đây là một khu vực nho nhỏ chuyên bán cà phê và bánh ngọt. Thật đúng là cách để móc túi của bá tánh theo... kiểu tư bản!
Cũng có một số tiệm cà phê Canada cho phép sinh viên đem laptop vô vừa nhâm nhi cà phê vừa ngồi học bài cả buổi, thí dụ như Starbucks, Café Dépôt...
Nói chung theo nhận xét của một số dân ghiền, cà phê ở Bắc Mỹ uống không mấy ngon, uống không đã bằng cà phê ở bên nhà... Nhưng có lẽ không đúng lắm vì còn tùy loại cà phê nào và cũng tùy vào khung cảnh nơi uống nữa.
Không biết sống ở hải ngoại, đã có bạn nào dám chịu thử hết các loại cà phê thường thấy trong các tiệm chưa? Còn người viết thì chịu thua!
Mỗi lần vô tiệm Starbucks hay Second Cup ở Montréal thì bị chóa mắt khi nhìn lên bảng có hơn 30 món cà phê làm mình rất bối rối chẳng hiểu và chẳng biết là nên chọn loại cà phê nào. Thôi thì cứ bổn cũ soạn lại, mình chọn những thứ đã quen thuộc như cà phê Moka hay Java regular, capuccino, espresso hoặc café latté (cà phê sữa) cho chắc ăn để khỏi bị hố và khỏi sợ quê. Còn những tên quá xa lạ như Caramel Correto, Con Panna, Americano, Moccaccino, Mocha, Café Verona, Espresso Macchiato, Gazabo blend, Terraza blend, v.v… là cái giống chi mà chẳng hiểu mô tê gì cả!
Các tiệm cà phê hơi đặc biệt
Nghe nói ngày nay bên nhà có nhiều loại cà phê rất độc đáo với những cái tên thật bí hiểm, như cà phê đẹp, lãng mạn, cà phê sân vườn, cà phê lề đường, cà phê chòi, cà phê võng, cà phê giường, cà phê nằm, cà phê sexy, cà phê ôm, cà phê internet, cà phê đọc báo, vân vân thường dành đặc biệt cho mấy cậu trẻ và mấy cụ còn gân và còn ham vui.
Còn bên Mỹ thì có các quán cà phê mát mẻ của người Việt như quán café Lú ở Santa Ana và quán Di Vang 2 ở Garden Grove Cali, các cô tiếp viên trẻ đẹp bận bikini thật tươi mát bưng cà phê ra hầu khách...
Mời các bạn xem video cho đỡ ghiền Sexy new vietnamese cafes
http://www.myfoxla.com/dpp/news/local/The_New_Sexy_Vietnamese_Cafes_20090526
Vừa thưởng thức cà phê ngon, vừa nghe nhạc du dương và vừa... ngắm nghía đủ chỗ để phê đủ thứ (không được táy máy rờ mó đó nha).
Ngược lại với phong cách cà phê sexy, thì từ nhiều năm nay tại các thành phố lớn Nhật Bản có loại cà phê tỳ nữ. Các cô phục vụ là những cô gái trẻ từ 17-18 tuổi, trang phục kín đáo theo phong cách truyện tranh. Cung cách phục vụ hết xẩy, rất lễ độ và ân cần, xem khách hàng như là thượng đế không bằng dù là các cậu còn rất non trẻ. @home (at home) là một trong những chuỗi quán cà phê tỳ nữ lớn nhất xứ Phù Tang.
Tại VN, trước 75 không thấy có những loại cà phê quái lạ đó, mà chỉ có cà phê lề đường, cà phê quán cóc, cà phê bụi, cà phê vỉa hè, cà phê đường hẽm, cà phê bình dân, và cà phê nhà mà thôi. Muốn sang hay muốn cho le thì vô nhà hàng Givral, hay Brodard uống cà phê, vừa uống vừa ngó ông đi qua bà đi lại trên những con đường phố dập dìu tài tử giai nhân.
Vào năm 78-79, có một thời gian bà nhà của tác giả cũng mở quán cà phê vỉa hè (hổng phải cà phê ôm nha), cạnh bên hông nhà thuốc Tây của mình khi đó đã đổi chủ. Đó là thời điểm te tua, lên voi xuống chó của gia đình người viết. Có ăn thì phải có chịu! Lý do là đi không lọt, láng túi sạch sẽ, mất hết nhà cửa ở Cần Thơ, nên bắt buộc phải về tá túc ở nhà cha mẹ ở Sài Gòn và sống lây lất qua ngày bằng cái nghề sinh nhai tạm bợ nầy. Tương lai mù mịt, nhưng rồi Trời Phật cũng còn thương...
Pha cà phê cũng phải lắm công phu
Nói về cách pha thì cũng có cả chục cách tùy theo quốc gia. Nào là espresso, cappuccino, cà phê phin, cà phê máy nhểu lỏn tỏn, cà phê cái nồi ngồi trên cái cốc kiểu Việt Nam, cà phê bít tất hay cà phê vớ (bỏ cà phê vào túi vải rồi đem nấu), cà phê nấu thẳng trong nồi kiểu Thổ nhĩ Kỳ, v.v. Còn muốn chơi sang thì ra chợ rinh về một cái máy đa năng có thể vừa xay, vừa pha chế đủ loại cà phê theo ý muốn mình, rất tiện lợi mỗi khi tiếp đãi bạn bè ở nhà.
Ngày nay cà phê cũng bước vào thời đại tin học. Thấy quảng cáo máy Tamisso sử dụng mã vạch (codebar) để có thể pha đủ loại cà phê mà mình muốn chẳng hạn như espresso, cappucino,.... Ôi thôi cà phê nhiều vô số kể! Nói về cà phê thì nhiều vô số kể, không biết có bao nhiêu loại mà kể cho hết được. Hai giống cà phê thường thấy được trồng bên VN: nhiều nhất là Robusta và ít hơn là Arabica.
Theo các nhà thực vật học, trong thiên nhiên phải có lối năm sáu ngàn giống cà phê nhưng chỉ có một số rất ít giống được con người khai thác để lấy hạt mà thôi. Phẩm chất và hương vị của mỗi loại cà phê cũng không giống nhau. Chúng khác nhau vì cách sản xuất, cách ủ, cách ướp, cách rang, cách quảng cáo, và đôi khi còn tùy thuộc cách pha và cách cười của cô hàng cà phê nữa...
Làm biếng muốn cho lẹ thì uống cà phê tan liền (instant coffee). Ngày nay, cà phê tan liền có bán dưới dạng que coffee stick rất tiện lợi.
Năm 2008, có 6 loại cà phê tan liền có tên Mr. Brown của Trung Quốc đã bị cơ quan FDA ra lệnh cho thu hồi vì có nhiễm độc chất melamine.
Cà phê không caffeine
Còn sợ uống cà phê có hại thì có thể chọn loại cà phê đã được rút bớt caffeine gọi là decaffeinated hay decaf. Có dư luận đồn rằng uống loại cà phê nầy có thể có hại cho sức khỏe hơn cả cà phê thường, bởi nó còn sót lại những hóa chất dùng để trích bỏ caffeine. Đúng là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Không biết có đúng thật như vậy hay không?
Trong tương lai vài chục năm nữa, với kỹ thuật chuyển đổi gène, người ta hy vọng sẽ được uống cà phê không caffeine một cách thật tự nhiên.
Năm 2003 vừa qua, một nhóm khảo cứu gia Nhật Bản đã tạo được một giống cà phê chứa ít caffeine từ 50% đến 70% so với các giống cà phê bình thường.
Tháng 6/2004, sau khi nghiên cứu và khảo sát 3000 giống cà phê Éthiopie, các nhà khoa học đã nhận diện được 3 giống cà phê không có chứa caffeine một cách tự nhiên. Việc kế tiếp là đem gầy thêm giống và đem lại những giống cà phê có chất lượng cao để có được loại cà phê thượng đẳng không caffeine. Nhưng ít nhất cũng phải chờ vài chục năm nữa chúng ta mới hy vọng thấy được loại cà phê nầy trên thị trường.
Decaf thường hay bị mất đi ít nhiều hương vị của cà phê và có vẻ đắng hơn cà phê thường.
Chất caffeine ảnh hưởng thế nào trên sức khỏe?
Khi uống cà phê, từ 30 phút đến một giờ sau thì nồng độ chất caffeine trong máu sẽ đạt mức tối đa và ảnh hưởng của nó có thể kéo dài và tồn tại trong cả ngày lận.
Xem thêm...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét