Văn hóa Cà Phê Việt

Người ta nói: Thêm đường hết đắng.
Nhưng ngọt ngào đâu có phải Cà Phê?
Giọt đắng này, giọt của si mê.
Như giọt đời, giọt mưa, giọt nắng…

Thật lạ, con người thường đam mê những thứ đắng cay, không mấy ai nghiện ngập ngọt bùi. Có phải cuộc đời nhiều mặn nồng, nhiều thăng trầm cay đắng, cho nên con người tìm đến những thứ đắng cay để dung hòa cảm xúc? Còn hơn thế, Cà Phê có đủ vị đắng để giúp ta suy tưởng, có đủ độ nồng để tạo cảm giác bồng bềnh, có đủ độ chua để nghĩ về thất bại, có đủ độ mặn để nhớ về đất mẹ, và có đủ độ ngọt ngào để ta cảm thấy được yêu thương…


Cảm ơn các vị linh mục Tây phương đã đem cây Cà Phê từ cao nguyên Ethiopia xa xôi mãi tận Phi Châu vào đất Việt. Nghe nói ban đầu loại cây quý giá này chỉ được trồng tại vườn của các nhà thờ Phía bắc Việt Nam từ khoảng cuối những năm 1880. Sau này, tức là đến khoảng những năm 1920 cây Cà Phê mới được trồng đại trà ở Đak Lak và Gia Lai - Kon Tum. Giống như tại hàng trăm quốc gia uống Cà Phê trên thế giới, văn hóa Cà Phê đã hình thành ở Việt Nam như một điều tất yếu từ món quà tuyệt vời do tự nhiên ban tặng.

Hoàn cảnh sống đã tạo nên văn hóa Cà Phê Việt. “Cà Phê nhanh” dành cho những người bận rộn, được đựng trong các ly cốc sử dụng 1 lần, thường đi kèm với “nhạc đệm” là bánh mỳ Pa-tê, bánh mỳ ốp la, họ uống nó như một loại Food cung cấp dinh dưỡng và khoáng chất cho cơ thể thêm khỏe mạnh và năng động. Loại này thường là Cà Phê đá, hoặc Cà Phê sữa đá.


“Cà Phê đường phố”, thường là Cà Phê đen, loại Cà Phê bình dân nhất và cũng có đông “đệ tử” nhất, chỉ đông vào buổi sáng, trước giờ làm. Cà Phê loại này thường được pha phin trong những chiếc ly thủy tinh bình dị, xinh xinh nho nhỏ. Bên cạnh không bao giờ thiếu một ấm trà nóng sẵn sàng…

“Cà Phê tự tình” dành cho các đôi nam nữ chuyện trò tâm sự. Ly Cà Phê ấy, nếu là Cà Phê đen thì phải pha vào tách kiểu ưa nhìn một chút. Người pha phải dùng một loại chong chóng quậy mạnh để tạo bọt, trang trí chút kem, hay bọt của Cà Phê Master hình chiếc lá hoặc trái tim. “Cà Phê tự tình” thường bắt đầu từ khoảng 8 giờ tối đến tận đêm khuya.

“Cà Phê tự sự” là uống một mình, suy tưởng, hoài niệm. Người uống biệt riêng những phút giây tự đối diện với cuộc sống nội tâm của mình…

Đa dạng là văn hóa Việt. Nhưng ngày nay nó đã bị mai một, biến dạng vì mất đi cái gốc rễ cội nguồn. Nhưng rất may là “văn hóa Cà Phê Việt” vẫn là điều đáng để người đời trân trọng. Dường như có một sức mạnh thần bí nào đó đã làm cho bất kỳ ai khi đang ngồi trước ly Cà Phê đều trở nên nhã nhặn, hiền lành, dễ mến. Người ta thường quên mất tuổi tác, địa vị, cũng như giai cấp của mình khi trước mặt là một ly Cà Phê bốc khói đang tỏa mùi hương quyến rũ. Đó thực sự là triết lý, và là sức hút hữu hình của Cà Phê.

Xem thêm...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...